DANH SÁCH NHỮNG CÔNG TY TẠM “NGHỈ CHƠI” VỚI HUAWEI

DANH SÁCH NHỮNG CÔNG TY TẠM DỪNG "NGHỈ CHƠI" VỚI HUAWEI

1. Google

Ngay sau khi Huawei bị liệt vào danh sách đen, Google thông báo rút giấy phép Android của Huawei. Theo Bloomberg, Google cắt đứt cung ứng cả phần cứng lẫn phần mềm. Đây thực sự là cú đấm trời giáng vào Huawei do tất cả smartphone của hãng đều chạy Android. Nó cũng có nghĩa hàng triệu người dùng Huawei sẽ bị ảnh hưởng.

2. Qualcomm

3 ngày sau khi Huawei có tên trong danh sách đen, Bloomberg đưa tin Qualcomm thông báo với nhân viên họ sẽ không bán hàng cho Huawei cho đến khi có chỉ đạo tiếp theo.

3. Intel

Intel cũng là tên tuổi lớn trong danh sách các nhà sản xuất chip Mỹ cắt quan hệ với Huawei dù theo Bloomberg, Huawei đã tích trữ chip và linh kiện khác đủ dùng ít nhất trong 3 tháng nhằm đề phòng lệnh cấm.

Lumentum, nhà sản xuất linh kiện điện thoại di động, cũng thông báo ngừng bán hàng cho Huawei. Doanh thu từ Huawei chiếm 18% tổng doanh thu quý gần đây nhất của hãng.

4. Panasonic

Gã khổng lồ Nhật Bản Panasonic hôm 23/5 thông báo cắt quan hệ với Huawei. “Chúng tôi dừng mọi hoạt động kinh doanh với Huawei và 68 công ty thành viên… là đối tượng của lệnh cấm của chính phủ Mỹ”.

5. ARM

Nhà thiết kế chip ARM của Anh gửi thông báo cho nhân viên về việc dừng “tất cả hợp đồng, hỗ trợ và giao dịch đang chờ” với Huawei do thiết kế của họ chứa “công nghệ xuất xứ Mỹ”. ARM cấp phép sử dụng công nghệ thay vì tự sản xuất chip.

Theo nhà báo Hal Hodson của The Economist, thường các hãng sẽ mua giấy phép của ARM trong vài năm, do đó có thể Huawei vẫn có quyền sử dụng thiết kế chip ARM trong 2-3 năm tới.

6. Vodafone

Nhà mạng lớn nhất nước Anh, Vodafone, thông báo loại tất cả thiết bị Huawei khi triển khai 5G, dự kiến vào ngày 3/7. Phát ngôn viên Vodafone cho biết đã dừng đặt trước Huawei Mate 20 X (5G) tại Anh. Đây là biện pháp tạm thời trong khi tồn tại các bất ổn liên quan đến thiết bị 5G mới của Huawei.

7. Chunghwa Telecom và Taiwan Mobile (Đài Loan)

Chunghwa Telecom và Taiwan Mobile, hai nhà mạng di động lớn nhất Đài Loan đều cho biết tiếp tục bán smartphone hiện có của Huawei nhưng sẽ ngừng kinh doanh những sản phẩm mới của thương hiệu này.

Trong khi đó, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc KT cũng đang xem xét việc dừng bán smartphone và máy tính bảng Huawei. KT hiện đang bán mẫu smartphone Be Y3, phiên bản Hàn Quốc của điện thoại P20 Lite và máy tính bảng Be Y Pad2, phiên bản Hàn Quốc của máy tính bảng MediaPad M3 của Huawei.

Tương tự, Telkomsel, nhà mạng di động lớn nhất Indonesia cho biết đang “xem xét tình hình”.

8. Infineon Technologies (Đức)

Nguồn tin của Nikkei Asian Review cho biết, hãng chip Đức Infineon Technologies đã ngừng giao dịch các lô hàng dự kiến cung cấp cho Huawei. Quyết định này được công ty đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ liệt công ty Trung Quốc vào danh sách “xuất khẩu có kiểm soát”.

Infineon cung cấp một số linh kiện quan trọng cho Huawei, bao gồm vi điều khiển và mạch tích hợp quản lý năng lượng. Vì vậy, dù lượng hàng Infineon cung cấp mỗi năm chỉ khoảng 100 triệu USD nhưng lại có khả năng ảnh hưởng lớn tới đối tác Trung Quốc.

9. Microsoft

Hiện tại, dù chưa có động thái chính thức, Microsoft cũng có khả năng phải ngừng cung cấp Windows cho các máy tính của Huawei trong trường hợp bị chính phủ Mỹ yêu cầu.

Huawei là gì?

Huawei, tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vi ( /ˈhwɑːˌweɪ/; giản thể: 华为; phồn thể: 華為; bính âm: Về âm thanh này Huáwéi hay 华为技术有限公司; tiếng Anh: Huawei Technologies Co. Ltd.) là một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.

Huawei được thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi, một cựu kỹ sư của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc. Vào thời điểm thành lập, Huawei tập trung vào sản xuất các thiết bị chuyển mạch điện thoại, nhưng từ đó mở rộng kinh doanh bao gồm xây dựng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ và thiết bị tư vấn và vận hành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc, và sản xuất thiết bị truyền thông cho thị trường tiêu dùng. Tới cuối năm 2018, Huawei có khoảng 188.000 nhân viên, với khoảng 80.000 người tham gia vào các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện tại, Huawei có 21 trung tâm R&D trên toàn thế giới với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 15 tỉ $ (năm 2018).

Các sản phẩm của Huawei hiện có mặt tại hơn 170 quốc gia. Hơn 1.500 đối tác cũng giúp công ty này cung ứng sản phẩm và dịch vụ tới 1/3 dân số thế giới. Năm 2012, tập đoàn này đã vượt qua Ericsson để trở thành công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và tới năm 2018 vượt Apple để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung Electronics. Huawei được Fortune Global 500 xếp hạng 72 trong số các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Tháng 12 năm 2018, doanh thu của công ty đạt 108,5 tỉ $, tăng 21% so với năm 2017.

Dù có nhiều thành công về thuơng mại, tuy nhiên Huawei thường xuyên bị chỉ trích về những vấn đề an ninh mạng, đặc biệt từ chính quyền Hoa Kỳ khi cho rằng công ty này là backdoor cho hệ thống gián điệp từ chính phủ Trung Quốc. Đặc biệt, Washington đã có những động thái cấm các hoạt động của Huawei cùng nhà mạng ZTE và các đối tác khác tại lãnh thổ nước này. Cuối năm 2018, Huawei bị cấm mọi hoạt động thương mại trên lãnh thổ Hoa Kỳ và tới ngày 19 tháng 5 năm 2019, Google – nhà cung cấp hệ điều hành Android cho các sản phẩm Huawei – cũng tuyên bố ngừng cung cấp cập nhật và phần mềm cho hãng này.


Viết một bình luận