( Bài viết này tôi post đã lâu, có thể nhiều người chưa đọc – Thử đọc chiến lược ăn uống để hiểu về chiến lược kinh doanh nhé! Share tự do! )
Khi đi ăn, nhất là chỗ đông người như tiệc buffet, nếu không có chiến lược ăn uống thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu là… lấy lại vốn. Vậy chiến lược ăn uống là gì? Rất đơn giản! Chiến lược này cũng có các bước:
1. Đánh giá thực lực của mình: To con hay nhỏ con? Sức chứa của bao tử, sức ăn, tốc độ ăn, thích gì, ghét gì, bị bác sĩ cấm ăn gì, ăn gì là tốt nhất? ĐIỂM MẠNH của mình ( bao tử to, ăn như hạm, ăn như tên lửa? ); ĐIỂM YẾU của mình ( ăn quá chậm, mau no, mau ngán, hay mắc nghẹn, răng thiếu, đang đau răng…??? )
2. Quan sát xung quanh: Thực đơn có những món ăn nào, món nào khoái khẩu, món nào đắt tiền nhất, món nào phải kiêng, món nào có lợi cho sức khỏe, các món được mang ra theo thứ tự nào…? Có nhiều “ĐỐI THỦ CẠNH TRANH” không? Có bao nhiêu anh to con ngồi cạnh ( đối thủ đáng gờm ), có bao nhiêu cô gái nhỏ nhắn ( chắc là ăn ít ), có mấy cháu nhỏ ham chơi ( ăn uống chẳng đáng bao nhiêu ), có cụ già nào chỉ đến dự cho vui chứ không động đũa…? Có CƠ HỘI gì ( ngồi gần nơi có nhiều món ngon chẳng hạn – nhất cự li ), MỐI NGUY gì ( ví dụ, thức ăn ít quá, chưa kịp lấy đã hết, anh chàng ngồi cạnh vừa to cao, vừa nhanh như sóc… )?
3. Xác định MỤC TIÊU ăn uống: Trên cơ sở “thực lực”: ( mục 1 ) và “diễn biến” môi trường chung quanh ( mục 2 ), ta phải quyết định lựa chọn mục tiêu cho mình ở mục 3 này: Ăn cho được món gà đông tảo? Ăn cho được con tôm hùm? Hay cua Alaska? Hay ốc hương, bò Mỹ, cừu Úc? Phải ăn những món mắc tiền nhất để “lấy lại vốn”? Hay chỉ ăn những món “thanh tao” để đối tác thấy là ta… thanh cao? Hay phải “nhịn miệng để đãi khách” ( vì thức ăn ít quá )?
4. Chọn CÁCH THỨC ăn để đạt mục tiêu ăn uống: Ăn từ từ và quan sát? Chưa vội ăn gì cả, chỉ “phục” và chờ “thời cơ”? Chen lấn, xô đẩy để ăn cho được con tôm hùm, hay lặng lẽ quan sát từ xa ( nhìn cả vào bếp ) để hễ thấy bếp bưng ra là tiến tới giành “ghế hạng nhất”? Tìm cách ngồi cạnh mấy em chân dài ăn ít? Hay ngồi cạnh cụ già chỉ biết tủm tỉm cười, vui với con cháu là chính? Hay ngồi gần các cháu nhỏ chỉ ham chơi?… Ta cũng có thể chọn cách lặng lẽ đứng gần, giả vờ thờ ơ, nhưng luôn quan sát ( qua kính râm chẳng hạn ); và chỉ TẬP TRUNG ( FOCUS ) vào một món duy nhất là món gan ngỗng hoặc cá hồi. Cái cách tập trung này giúp ta “chiếm lĩnh trận địa” rất nhanh mà không sợ có nhiều đối thủ ( họ đang phân tán lực lượng cho nhiều món khác ) – đó chính là LỢI THẾ CẠNH TRANH của ta…
Đó là chiến lược ăn uống! Chiến lược kinh doanh cũng chẳng khác gì. Cứ tuần tự các bước mà đi! Mấy chữ viết IN HOA, khi lập chiến lược kinh doanh đều phải nhắc đến!