Một thương hiệu Việt có khả năng đánh bạt một thương hiệu toàn cầu trên thị trường VN không?
Hoàn toàn có thể. Và chính tôi, người trong cuộc, từng tham gia xây dựng những thương hiệu Việt cực mạnh, ngay từ đầu, sẵn sàng chứng minh thương hiệu Việt đã đối đầu trực diện với thương hiệu nước ngoài thế nào, làm cho họ điêu đứng, khuất phục ra sao.
Còn nhớ, một “ông Tây” đến VN làm nước mắm, và dạy cho người Việt cách ăn nước mắm quả là điều lạ lùng. Vậy nhưng, “ông Tây” ấy vẫn làm nước mắm, vẫn dạy ( educate ) cho người Việt cách ăn nước mắm. Và nhiều người Việt đã nghe, đã ăn nước mắm “Tây” cho đến khi chúng tôi nói điều ngược lại – chỉ có người Việt mới hiểu nước mắm Việt, mới biết làm ra loại nước mắm thơm ngon dành cho người Việt. Và thực tế, sau đó, các thương hiệu nước mắm Việt đã đánh bạt “nước mắm Tây” trên thị trường Việt Nam.
Còn gì khác nữa không? Thưa còn nhiều lắm, và bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự. Nước tương ( xì dầu ), cà phê, nước tăng lực, sữa tươi, trà xanh, trà thảo mộc đóng chai… đều đã có thể đánh bại thương hiệu nước ngoài, hoặc ít nhất là gây “xấc bấc, xang bang” cho những người khổng lồ tưởng chừng không thể xô ngã.
Bí quyết là gì? Đương nhiên là thấu hiểu văn hóa tiêu dùng, thấu hiểu thị trường, đối thủ cạnh tranh, và “đi trước một bước” trong việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng ( điều này, đối với thị trường trong nước, ta hoàn toàn có lợi thế so với các cty nước ngoài ). Nhưng quan trọng bậc nhất vẫn là lựa chọn chiến lược đúng, triển khai thực thi tốt, và có đối sách phù hợp ở từng giai đoạn…
Tiền đâu đầu tư cho thương hiệu? tôi đã giải thích ở những bài viết trên trang 24 & 24, là tiền lấy từ khách hàng, người tiêu dùng, không phải từ ngân hàng hay từ chính doanh nghiệp. Nghe lạ không? Mời các bạn đọc qua các bài viết trước để hiểu!
Nhiều thương hiệu Việt đã làm được; các thương hiệu khác, tại sao không?