TRÀO LƯU KHỞI NGHIỆP THỜI SẠT NGHIỆP

GIÁO ĐIỀU KHỞI NGHIỆP

( Tôi tin, đây là một bài viết đi ngược đám đông. Bạn có thể share, nếu thích )

Người ta đua nhau mở lớp dạy khởi nghiệp, trong đó khuyến khích người khởi nghiệp nhất thiết phải ĐÓNG NHIỀU VAI – giám đốc, bốc vác, kế toán, bán hàng, tiếp thị, giao nhận…; và mặc định, hễ khởi nghiệp, nhất thiết phải đóng TRÒN đồng thời các vai này! Các bạn trẻ khởi nghiệp lập tức nghe theo lời dạy của các chuyên gia, đua nhau mở doanh nghiệp trong tâm thế lăn xả vào làm mọi việc – từ bốc vác, bán hàng, tiếp thị, giao nhận, kế toán, hành chánh…, nói chung là tất tần tật. Kết quả là, gần như “tất tần tật” (95%) các bạn khởi nghiệp thất bại, phá sản, dù làm việc cật lực ở tất cả các vai trò được các chuyên gia khuyến khích.

Nếu NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) lập trình cho con người lối tư duy thành công, thì kiểu đào tạo khởi nghiệp này vô hình trung đã làm điều ngược lại – lập trình trong đầu của những người khởi nghiệp một lối tư duy THẤT BẠI! Đó là lối tư duy “hầm bà lằng”, “tất tần tật”, “gì cũng làm”, chỗ nào cũng lăn xả…, với niềm tin sẽ đổi đời nếu ta chịu cực, chịu cày, chịu lăn xả…

Tôi cho rằng kiểu lập trình tư duy này hết sức nguy hiểm. Nó biến người khởi nghiệp thành một con robot đa năng hơn là một doanh nhân khôn ngoan, một nhà quản lý chuyên nghiệp, dù lớn hay nhỏ.

Khi khởi nghiệp, chắc chắn bạn phải có một ý tưởng. Song song với ý tưởng là một thế mạnh nào đó của chính bạn (ví dụ bạn giỏi kỹ thuật, công nghệ thông tin, có tay nghề sản xuất, hay có năng khiếu giao tiếp), và cả những điểm yếu. Khởi nghiệp, bạn không nên lao vào làm hết mọi việc, làm cả những việc mà mình không có sở trường, mà hãy dành những việc đó cho người có sở trường.

Ví dụ, bạn không giỏi bán hàng, hay không biết bán hàng, thì đừng ôm hàng đi bán, mà phải thuê người giỏi bán hàng về để họ bán hàng cho bạn. Nếu bạn không đủ sức khỏe để bốc vác thì đừng lao vào bốc vác để rồi kiệt sức, có khi bị gãy cả xương. Nếu bạn không biết gì về sản xuất mà cứ tự mày mò sản xuất thì chỉ làm hỏng sản phẩm tâm huyết. Tất nhiên, bạn sẽ phải làm choàng một số việc bên cạnh việc sở trường của mình, nhưng nếu bạn choàng hết mọi việc thì sác xuất thất bại sẽ là 95%; và 5% còn lại chỉ là may mắn.

Có thể bạn sẽ hỏi, tiền đâu mà thuê người? Xin thưa, khởi nghiệp, bạn buộc phải chuẩn bị một khoản tiền nhất định (có thể bằng cách xin xỏ, vay mượn, hay kêu gọi hợp tác… ) chứ không thể kỳ vọng vào chuyện “tay không bắt giặc”. Nếu bạn không thuê được ai vì không có tiền, bạn có thể mời người ấy (ví dụ người giỏi bán hàng) về tham gia cổ đông hoặc hợp tác ăn chia. Tóm lại, có nhiều cách, bạn có thể vận dụng, nhưng đừng vận dụng cách làm “tất tần tật” mọi thứ như lời khuyên của một số chuyên gia khởi nghiệp hoặc các đại gia may mắn thành công. Cách ấy chỉ có thể giúp bạn thành công nếu bạn nằm trong số 5% may mắn!

NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY, kể cả tư duy ngược đời, là một phần của sứ mệnh 24 & 24. Và cái vụ “nâng cao năng lực tư duy” này có lẽ chỉ có mỗi 24 & 24 này quan tâm thôi!

Viết một bình luận