LÀM THƯƠNG HIỆU TRƯỚC KHI TUNG SẢN PHẨM – CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI?

Sau loạt bài viết: SẢN PHẨM HAY THƯƠNG HIỆU?ĐỊNH HƯỚNG KHỞI NGHIỆP NGUY HIỂM! và 1 số bài viết đã đăng lên 24 & 24 thì đây là bài viết thứ 5 trong loạt 5 bài viết về chuyện phải làm thương hiệu trước khi tung sản phẩm mới ( cho dù là Sản Phẩm khởi nghiệp hay Sản Phẩm của tập đoàn lớn ), chứ không phải ngược lại.

Hãy so sánh 2 cách làm của 2 bạn trẻ dưới đây với cùng một sản phẩm là trà ( ngoài Bắc gọi là chè ) để uống ( để pha trà ).

Bạn thứ nhất, tìm mua nguyên liệu trà thật ngon, thật chất lượng, rồi đóng gói trong túi ni-lông trong suốt, rồi đem đi bán dạo. Đi đâu, bạn cũng nói trà tôi ngon lắm, chất lượng hảo hạng, và bán giá tương đối cao ( vì giá mua đầu vào khá đắt ). Bạn cũng tìm cách bỏ mối cho các shop bán trà, và các quán trà, cà phê… Sau 6 tháng “quyết liệt” và nhanh chóng ra hàng với chất lượng mà bạn tin là tuyệt hảo, bạn chẳng bán được bao nhiêu, vì chẳng ai tin một Sản Phẩm không có thương hiệu là một sản phẩm chất lượng cao cả.

Bạn thứ 2, cùng lúc, cùng thời, cũng khởi nghiệp bằng trà, nhưng suốt 6 tháng trời, bạn chẳng sản xuất, đóng gói hay bán mua gì cả. Bạn tập trung thời gian làm thương hiệu cho loại trà mà bạn định bán. Bạn nghiên cứu, khảo sát sơ bộ thị trường trà, các nhãn nhiệu trà đã có trên thị trường, cách thức đóng gói, bao bì, cách thức họ in ấn, truyền thông trên bao bì và trên các tờ bướm, tờ rơi… Bạn nghiên cứu giá bán, điểm bán, thói quen người mua trà và người uống trà ( thông tin có đầy trên mạng ). Bạn quan sát các quán bán trà, xem người ta vào đó uống trà thế nào… Bạn quan tâm đến cả cách người ta đặt tên các nhãn hiệu trà và các logo, slogan, màu sắc , thiết kế in ấn…

Cuối cùng, bạn mới chọn một loại Sản Phẩm trà mà bạn cho là phù hợp cho một nhóm đối tượng nào đó. Loại trà này có chất lượng ở mức khá thôi, giá mua vào cũng không quá đắt. Bạn chọn cho nó một cái tên không giống như các tên trên thị trường, một cái tên phát âm nghe giống tiếng Nhật ( ví dụ thôi nhé ), nhưng rất dễ đọc và dễ nhớ ( vì bạn tin trà Nhật là trà chất lượng cao, và an toàn ).
Rồi bạn chọn thiết kế bao bì, màu sắc, logo, slogan, thông điệp truyền tải… Tất cả những thứ  bạn làm đều có phân tích tỉ mỉ và lựa chọn cẩn trọng. Tên gọi khác biệt, thiết kế khác biệt, thông điệp khác biệt, bao bì sang trọng, chất liệu tốt… Kế đến, bạn đi lê la, chuyện trò với các shop bán trà, và các quán trà, tuyên truyền về một loại trà có phong cách Nhật sắp ra đời. Bạn cũng nhờ người quen viết vài bài PR trên báo về phong cách uống trà của người Nhật, đồng thời “bóng gió” nói trà Nhật nổi tiếng là an toàn…

Cuối cùng, bạn mới bắt đầu tung hàng

Bạn tung hàng chậm hơn bạn kia 6 tháng, nhưng kết quả thì nhanh chóng vượt xa. Và đầu tư ban đầu cho cái gọi là “làm thương hiệu” của bạn cũng chẳng tốn kém mấy ( chủ yếu là tốn thời gian nghiên cứu, phân tích ). Bạn đã có một tầm nhìn thương hiệu ( brand vision ) và một chiến lược thương hiệu ( brand strategy ) ngay từ đầu. Và quan trọng hơn cả là bạn đã ý thức được chuyện phải làm thương hiệu ngay từ đầu – TRƯỚC KHI sản xuất và tung sản phẩm ra bán. Vâng, làm thương hiệu trước khi sản xuất hàng loạt, chứ chưa nói đến chuyện tung Sản Phẩm ra bán. Chuyện ngược đời này thế giới đã làm từ lâu; trong khi đó thì các chuyên gia khởi nghiệp VN lại cứ đi dạy điều ngược lại.

Viết một bình luận