ĐẦU RA Ở ĐÂU?

Khi tôi nói với bạn rằng đầu ra là cả thị trường thế giới 7 tỷ dân ngoài kia. Bạn cười bảo rằng, chàng ngốc à!

Khi tôi nói với bạn rằng những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn bao nhiêu năm làm ăn tốt với thế giới, và đưa Việt Nam đứng thứ 4 trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Bạn thấy đấy, 7 tỷ dân vẫn đang sử dụng sản phẩm do bàn tay người Việt tạo ra.

Đầu ra là một đại dương rộng lớn. Và sản phẩm từ Việt Nam đã được thị trường chấp nhận. Tự tin rồi chứ!

Đồng ý. Nhưng đó là đầu ra của những doanh nghiệp FDI, của những doanh nghiệp đã bao năm làm ăn với thị trường thế giới. Họ có vốn, họ có kinh nghiệm. Anh chàng khởi nghiệp, anh có gì?

Tôi có! Tôi có con người. Tôi có những con người với đầy đủ năng lực làm chủ công nghệ sản xuất tiên tiến trong ngành, tôi có những con người với tinh thần sáng tạo luôn hừng hực trong tim.

Tôi có con người với năng lực lãnh đạo có khả năng dẫn dắt và đào tạo những con người phù hợp.

Trong một thị trường đã được khai phá. Một thị trường đã được chứng minh về những thế mạnh của Việt Nam. Một thị trường gia công xuất khẩu cũng không cần phải có thương hiệu sản phẩm. Vậy công việc của bạn là gì? Là SẢN XUẤT. Lợi thế cạnh tranh sẽ nằm ở các doanh nghiệp có NĂNG SUẤT CAOCHẤT LƯỢNG ỔN ĐỊNH.

Trong thị trường đó, những doanh nghiệp QUẢN LÝ tốt, làm chủ công nghệ sản xuất TỰ ĐỘNG HOÁ, sẽ có ưu thế cạnh tranh tuyệt đối. Bạn đồng ý?

Tạm cho là thế. Những doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp có thâm niên, với nguồn lực tài chính lớn, họ không biết đầu tư công nghệ tự động hoá ư?

Xin thưa với bạn. Để mua được một dây chuyền sản xuất hiện đại, phụ thuộc vào nguồn vốn. Nhưng để quyết định đầu tư, để làm chủ công nghệ, để vận hành dây chuyền một cách hiệu quả. Điều đó phụ thuộc vào con người, không phụ thuộc vào quy mô hay thâm niên trong ngành.

Và hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt tham gia xuất khẩu ngành gỗ đều rất yếu về khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ sản xuất tiên tiến, tự động hoá. Lợi thế cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam vẫn dựa vào nguồn nhân công giá rẻ.

Anh chàng khởi nghiệp, anh bắt đầu thế nào? Nghĩ lớn và bắt đầu từ nhỏ, tất nhiên rồi. Có những ngành, bắt buộc phải đầu tư lớn và đồng bộ ngay từ đầu, để tồn tại và phát triển ( ví dụ, ngành cơ khí ). Nhưng có nhiều ngành có thể đầu tư cuốn chiếu. Ngành gỗ là một điển hình với hàng ngàn cơ sở sản xuất lớn nhỏ. Thị trường luôn có chỗ cho bạn, cái bạn cần là chất xám, là năng lực quản lý, là khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ, là khả năng sáng tạo. Là một tư tưởng mở để sẵn sàng hợp tác.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế xuất khẩu. Rất nhiều ngành gia công xuất khẩu Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển lớn, nhờ vào những sức mạnh nội tại và vào sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế thế giới.

Một đầu ra rất lớn đang chờ đón các doanh nghiệp Việt. Cái những nhà quản lý, các doanh chủ cần là nâng cao năng lực quản lý, đào tạo và huấn luyện nhân sự có khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ, tạo môi trường làm việc sáng tạo cho nhân viên, tích cực tìm kiếm những cơ hội hợp tác cùng phát triển. Những doanh mục đầu tư không tốn nhiều tiền, mà lại mang lại sự phát triển bền vững và ổn định. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng chắc chắn với các nước khu vực.

Có thể tạm kết bài này với nhận định, ĐẦU RA TỪ CHÍNH Ở CON NGƯỜI. Những con người đủ năng lực, được đặt ở vị trí sở trường sẽ tạo đầu ra cho doanh nghiệp. Và phải chăng nền kinh tế Việt Nam cũng phải ra từ cái đầu như thế. Và các bạn trẻ, các bạn sẽ làm gì để nắm bắt những cơ hội phát triển như vậy?

Xem thêm: NĂNG LỰC LÀ GÌ? TẠI SAO SINH VIÊN CẦN PHẢI BIẾT?

Viết một bình luận