Sau loạt bài viết nghiên cứu về CHỌN NGÀNH HAY CHỌN TRƯỜNG? & NĂNG LỰC LÀ GÌ? TẠI SAO SINH VIÊN CẦN PHẢI BIẾT? thì bài viết tiếp theo 24 & 24 chúng tôi lại hướng dẫn các bạn bài viết về CÁCH CHUẨN BỊ ‘HỒ SƠ’ XIN VIỆC ĐỂ ĐƯỢC TUYỂN DỤNG 100% để các bạn học sinh, sinh viên được nắm rõ hơn trên con đường phấn đấu sự nghiệp tương lai của mình.
Tất nhiên, hồ sơ bao gồm các văn bằng, chứng chỉ và CV bạn mô tả năng lực của mình. Tuy nhiên trong bài viết này từ HỒ SƠ bao gồm một ý nghĩa sâu hơn. Đó là chuẩn bị cả NĂNG LỰC LÀM VIỆC để đáp ứng được công việc bạn muốn ứng tuyển.
Quá trình này có thể kéo dài đến nhiều năm, tuỳ theo năng lực hiện tại của bạn và vị trí mà bạn nhắm tới. Không có một thủ thuật hay chiêu thức nào để được tuyển dụng 100% cả. Nếu đang kiếm tìm điều đó, bạn không cần đọc tiếp nữa.
Tại sao lại cần HỒ SƠ? Vì hồ sơ là cái duy nhất để chứng minh với nhà tuyển dụng. Bạn là người có thể làm tốt nhiệm vụ mà nhà tuyển dụng đang muốn tuyển. Bạn chính là người nhà tuyển dụng đang cần.
Tại sao lại cần NĂNG LỰC? Vì năng lực là cái bạn cần có để ghi vào hồ sơ. Cái bạn bắt buộc phải có để hoàn thành nhiệm vụ. Và nhà tuyển dụng có thể thông qua một vài phương pháp khác để kiểm tra năng lực của bạn.
Chuẩn bị NĂNG LỰC như thế nào?
Tôi bắt đầu từ một thông tin tuyển dụng. Ví dụ, công ty 24 & 24 cần tuyển kỹ sư phụ trách bảo trì, mức lương 20 – 25 triệu. Đòi hỏi trình độ, ngoại ngữ, tin học, kinh nghiệm… vv. Thông thường bạn tiếp nhận và xử lý thông tin đó như thế nào?
1. Đối chiếu với mình, thấy không đủ điều kiện. Bỏ qua!
2. Vị trí này phù hợp với mình đây. Vậy là lục lại hồ sơ, viết CV ( hay edit lại ), nộp và chờ đợi.
Tôi không thích cái quy trình đầy may rủi như vậy. Và tôi cũng không muốn mất vài tháng thử việc để rồi phát hiện công ty đó không phù hợp với mình. Và tôi muốn nắm quyền chủ động khi ứng tuyển. Và tôi chấp nhận đầu tư thời gian để có quyền chủ động đó.
Đầu tiên, công ty tuyển kỹ sư phụ trách bảo trì. Vậy kỹ sư phụ trách bảo trì là làm gì?
Bạn phải tìm hiểu tất cả các nhiệm vụ của một Kỹ Sư bảo trì. Nhiệm vụ chính là đảm bảo cho các dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định, đạt năng suất mong muốn…vv. Và một số nhiệm vụ nữa, mà bạn có thể tìm hiểu thêm trong bảng mô tả công việc của nhà tuyển dụng hay trên mạng.
Như vậy để hoàn thành nhiệm vụ đó. Bạn phải hiểu về các thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất của họ.
Bước hai, tìm hiểu tất cả các thông tin về máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất của nhà máy. Nếu không tìm thấy thông tin trên website của công ty đó. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về các dây chuyền sản xuất để sản xuất ra sản phẩm mà công ty đó đang sản xuất.
Bạn cũng có thể liên hệ đến công ty và đề nghị được tìm hiểu trước về dây chuyền sản xuất của họ trước khi ứng tuyển.
Bạn càng có hiểu biết chuyên sâu về thiết bị của họ càng tốt. Tìm hiểu, hệ thống lại, ghi lại thành một tập tài liệu, post lên facebook. Như làm một đồ án vậy.
Bước 3, kiểm tra các yêu cầu của nhà tuyển dụng, thấy thiếu cái nào thì đi học bổ sung cái đó.
Đừng quá lo lắng về yêu cầu kinh nghiệm. Thông thường các nhà tuyển dụng đưa ra yêu cầu kinh nghiệm như một phương án an toàn. Kinh nghiệm là gì? Đơn giản xíu là anh đã từng làm nhiệm vụ đó. Nếu bạn làm tốt công tác chuẩn bị ở bước 1 và bước 2, bạn đã có kinh nghiệm rồi đó.
Bước 4: Viết CV. CV của bạn không viết chung chung mà tập trung vào mô tả bạn có những bằng cấp gì, kiến thức gì, kỹ năng nào và những tố chất nào để hoàn thành nhiệm vụ mà bạn đã cất công tìm hiểu rất chi tiết như trên.
Đọc đến đây chắc nhiều người sẽ bảo, làm gì phải mất công sức vậy. Tìm việc thôi mà, không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Với lại, chuẩn bị lâu như thế người ta hết tuyển nữa thì sao?
Thứ nhất, các chuẩn bị như trên không hề lãng phí thời gian. Đó chính là cách để bạn trở thành một CHUYÊN GIA trong một lĩnh vực nào đó. Và một chuyên gia thì bạn sẽ có cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực đó.
Nếu chú ý một chút, tôi đã khuyên bạn post lên facebook những gì bạn đã tìm hiểu. Đó chính là cách để CHÀO HÀNG với cả thế giới, với các nhà tuyển dụng khác. Bạn là một CHUYÊN GIA GIỎI.
Thứ hai, những vị trí quan trọng ở các công ty không bao giờ được “tuyển gấp”. Nếu bạn đã có sẵn những năng lực đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các khâu chuẩn bị trên sẽ không làm mất của bạn quá nhiều thời gian. Quên các công ty “cần tuyển gấp” đi nhé. Một công ty không có kế hoạch về nhân sự, môi trường làm việc ở đó bạn cũng không nên làm.
Thứ 3. Đừng bỏ qua các thông tin mà mình chưa đủ điều kiện. Hãy nghiên cứu thật kỹ để chuẩn bị cho lần tuyển dụng sau, cho một công ty khác cùng ngành. Nếu không chuẩn bị thì 100 năm sau bạn cũng vẫn không đủ điều kiện.
Bước 4. Bạn sẵn sàng đầu tư 1 năm, 3 năm, 5 năm hay thậm chí 10 năm để bước lên một nấc thang mới của sự nghiệp. Hay bỏ phí toàn bộ cuộc đời, sự lựa chọn là ở bạn. Tương lai là của chính bạn. Và tất cả thế giới còn lại sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm cho tương lai của bạn cả. Chỉ có chính bạn thôi.
Đã đến lúc bạn phải lên cả một kế hoạch để theo đuổi các nhà tuyển dụng mơ ước giống như cách bạn theo đuổi một cô gái vậy. Một tình yêu cần có sự rung động của con tim, nên tôi không chắc về tỷ lệ thành công khi theo đuổi một cô nàng nào đó.
Tuy nhiên với các nhà tuyển dụng, đó là lý trí, đó là hiệu quả công việc. Nếu làm theo cách trên, tôi cam đoan với bạn 99.99% bạn sẽ thành công.