BƯƠI RÁC HAY GIEO HẠT?

Một bà nọ mất con gà, xót của 1 nhưng giận đến 10, bèn ra ngoài đường chửi đổng, chửi xéo. Mặt đỏ phừng phừng, bà xắn quần vén váy, tuôn trào lai láng vần điệu hằn học, xỉa xói khiến ngõ trên xóm dưới đều nghe.

Một bà hàng xóm nghe vậy tức lắm, cho rằng bà nọ chửi xéo mình vì 2 nhà trước đây vốn xích mích, bèn xông ra mắng lại. Độc tấu bỗng hoá thành song tấu. Rồi con cháu, họ hàng cũng xông ra, trở nên đồng tấu. Ngôn ngữ dường như chưa đủ nên tay chân bèn phụ hoạ. Khỏi nói cũng biết hậu quả như thế nào.

Thế đấy, trên đời có rất nhiều người nhận rác như bà mất gà. thay vì dọn rác bèn xả rác ra môi trường xung quanh. Hệ quả là nhận lại đống rác to gấp bội. Nhưng đáng chê trách hơn là kẻ bươi rác như bà hàng xóm nọ. Chuyện chưa chắc liên quan đến mình lại bươi ra. Một khi đã bươi ắt phải nhận rác, sau đó xả rác và cuối cùng trước sau cũng phải dọn đống rác do mình tự bươi ra. Đó là công thức tự làm khổ mình: Bươi rác, nhận rác, xả rác, dọn rác.

Có rất nhiều ví dụ bươi rác: Nghe nói ăn chay là đạo đức bèn gân cổ cãi chẵng lẽ ăn thịt là vô đạo đức, nghe nói học phương pháp này là tốt bèn hùng hổ chất vấn phương pháp khác là sai à, một người nói mình kinh doanh tử tế lập tức cả đám đông ùa vào ném đá và hỏi chẳng lẽ chúng tôi làm ăn không đàng hoàng, vv… & vv…

Nếu chiếu theo quy luật nhân quả thì xả rác là quả của nhận rác nhưng là nhân của dọn rác. Nhân nhỏ nhưng quả to như ông cha ta đã nói: Gieo gió gặt bão. Vì thế nên cẩn trọng khi gieo nhân.

Tin vui là tuy ta không thay đổi được quả nhưng ta lại có thể thay đổi được nhân để tạo ra quả mới khác, tốt hơn. Đó là thay đổi cách phản ứng trước sự việc xảy ra. Chúng ta thường nhanh nhẩu phản ứng theo cảm xúc. Khi xúc cảm khởi lên trong tâm, ví dụ như giận dữ, thân hành động ngay tắp lự: Nhẹ thì đá thúng, đụng nia nặng thì chửi mắng, xả rủa… Tuy nhiên, giữa cảm xúc phát khởi và thân hành động có một khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi. Khoảnh khắc này trở nên “diệu kỳ” nếu ngay lập tức ta có thể nhận ra được cảm xúc của mình và sau đó lựa chọn hành động phù hợp. Khoảnh khắc này càng dài, ta càng có khả năng lựa chọn cách phản ứng tốt hơn. Lựa chọn cách phản ứng nghĩa là gieo nhân mới, khác và tốt hơn. Từ đó một tiến trình mới phát sinh: Gieo nhân và hái quả.

Tuy nhiên phản ứng trước một việc đã xảy ra dù sao cũng thụ động. Trong tiếng Anh có 1 từ rất hay là proactive. Active có nghĩa là hành động nhưng tiền tố pro có nghĩa là “trước”. Proactive là chuẩn bị trước khi việc xảy ra, hay chủ động hơn nữa là “kiến tạo”. Để tránh lâm vào tình trạng đã rồi, cách tốt nhất là kiến tạo tương lai cho bản thân ta. Tương lai có thể là chỉ 1 phút sau hiện tại nhưng có thể là ngày mai hoặc vài năm sau. Quy luật phổ quát là hễ có nhân ắt có quả. Vì vậy hãy gieo hạt từ ngay bây giờ, từ ngày hôm nay. Quá trình rất đơn giản: Chọn hạt ( thái độ, hành động, tư duy ) tốt, lựa môi trường ( con người, hoàn cảnh ), gieo hạt ( thực hiện, ứng xử, suy nghĩ ), chăm bón ( thường xuyên làm ) để hái quả ngọt trong một tương lai rất gần nhưng cũng có thể khá xa.

Vậy ta chọn bươi rác hay gieo hạt?

24 & 24

Viết một bình luận