Quản lý cũng là một nghề cũng giống như nghề kỹ sư, bác sĩ, ca sĩ, hay cầu thủ đá bóng. Tôi cũng muốn truyền đạt điều này đến các anh chị và các bạn của tôi đang đảm nhiệm các vị trí quản lý ở các doanh nghiệp, đang tự quản lý doanh nghiệp của mình, hay quản lý startup.
Xin nhấn mạnh, QUẢN LÝ LÀ MỘT NGHỀ chứ không phải một sự kiêm nhiệm. Tại sao phải xác định quản lý là một nghề? Cũng như một cầu thủ đá bóng, nếu bạn chỉ là một cầu thủ nghiệp dư, bạn thích thì đá, không thích thì thôi. Nếu xác định đá bóng như một nghề nghiệp bạn sẽ học tập, bạn sẽ rèn luyện để ngày càng giỏi nghề hơn, đá hay hơn, để có lương cao hơn, phí chuyển nhượng cao hơn. Xác định quản lý là một nghề để bạn luôn tìm cách làm cho mình giỏi hơn trong nghề nghiệp. Và khi bạn giỏi hơn, bạn sẽ có thu nhập cao hơn, công ty bạn sẽ đi xa hơn.
Các bạn của tôi, những người rất giỏi nghề. Các bạn có thể thiết kế một cái máy, giải quyết một vấn đề kỹ thuật một cách dễ dàng và nhanh chóng, đó là các bạn có rất nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên các bạn lại gặp khó khăn khi lập kế hoạch sản xuất, điều động nhân sự, kiểm tra tiến độ công việc… vv. Đó là do các bạn chưa coi trọng vai trò quản lý của bạn. Các bạn chưa xem quản lý là một nghề bên cạnh nghề kỹ thuật của mình. Vì chưa xem quản lý là một nghề, nên các bạn chưa đầu tư đúng mức trong việc trang bị kiến thức, học hỏi kỹ năng, tìm kiếm công cụ để hành nghề quản lý của mình.
Ví dụ, khi bạn là trưởng phòng kỹ thuật của công ty. Con người kỹ thuật của bạn sẽ quyết định các vấn đề kỹ thuật, ( sửa một cái máy như thế nào, mua một thiết bị có đặc tính kỹ thuật nào, quyết định một phương án kỹ thuật… vv ). Và con người quản lý của bạn sẽ giải quyết các vấn đề: Điều động và quản lý nhân viên kỹ thuật, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện các công việc trong phòng của bạn. Hãy tách bạch giữa hai con người đó. Trang bị cho mỗi người những kiến thức, kỹ năng và công cụ phù hợp để làm việc. Bạn sẽ thấy công việc chạy rào rào.
Các bạn trẻ, những người đã, đang và sẽ khởi nghiệp trong một lĩnh vực nào đó. Khi bạn mở một doanh nghiệp, và doanh nghiệp của bạn có thêm một người nữa ngoài bạn. Điều đó có nghĩa là không phải bạn tự làm một mình. Và bạn phải quản lý. Vì vậy bạn phải có nghề quản lý. Nếu bạn chưa khởi sự, hảy học nghề quản lý trước khi khởi sự. Nếu bạn đã và đang làm, hảy học nghề quản lý càng sớm càng tốt, ưu tiên cho việc học nghề quản lý hơn các việc khác. Bạn phải hiểu rõ nhiệm vụ của một người quản lý doanh nghiệp có những nhiệm vụ gì? Bạn cần những kiến thức, kỹ năng nào để quản lý doanh nghiệp? Bạn cần những công cụ phương tiện gì để quản lý?… vv. Nếu không học nghề quản lý, bạn sẽ phải trả rất nhiều học phí cho việc học quản lý trong thực tế ( như tôi ).
Quản lý cũng là một nghề. Và cũng như những nghề nghiệp khác, cũng có một số yêu cầu của một người hành nghề quản lý:
– Yêu nghề: bạn phải yêu nghề bạn mới hành nghề được. Quản lý cũng vậy, bạn phải yêu nghề quản lý bạn mới làm giỏi được.
– Giỏi nghề.
– Có đạo đức nghề nghiệp.
– Phải học hỏi liên tục để nâng cao tay nghề: Bạn phải học hỏi liên tục và có kế hoạch để nâng cao tay nghề. ( Thông thường bạn làm theo kinh nghiệm và cứ thế mà làm. Rút kinh nghiệm dần và học hỏi được bao nhiêu thì học. )
Quản lý là một nghề, và là một nghề đòi hỏi một sự chuyên nghiệp rất cao. Làm sao để trở thành một nhà quản lý chuyên nghiệp, tôi sẽ lần lượt trình bày với các bạn trong các chủ đề tiếp theo. Và ở bài viết này tôi chỉ muốn phân tích để các bạn hiểu ( cũng như tôi đã nhận ra ), quản lý cũng là một nghề. NGHỀ QUẢN LÝ.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi chủ đề!
Xem thêm: NGHỀ QUẢN LÝ VÀ CÔNG TY NGÀN TỶ!
Xem thêm: NHÀ QUẢN LÝ CHUYÊN NGHIỆP CẦN HIỂU RÕ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Xem thêm: TRỞ THÀNH NHÀ QUẢN LÝ CHUYÊN NGHIỆP – CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN THÊNH THANG
Xem thêm: 5 HẠNG MỤC PHÂN QUYỀN TRONG QUẢN LÝ