Tôi đặc biệt thích cho tụi nhỏ viết đoạn văn – một sự cô đọng và chắt chiu chất văn mà các con đang nuôi dưỡng trong tâm hồn. Chúng nó lại thích, đương nhiên rồi, viết cả bài văn sẽ rất mệt, nhưng viết đoạn văn thì đỡ mệt hơn. Nhưng rồi chúng nó cũng nhanh chúng nhận ra “âm mưu” của tôi, nghĩa là cô đều có cách để “làm khổ” chúng nó – dù bằng cách nào đi chăng nữa.
Viết được đoạn văn hay thì cần suy tính đủ thứ. Tôi thường cố gắng làm thật tốt công đoạn đầu tiên, đó là: Giao một đề bài thật hay và sáng tạo. Để làm được điều đó thì phải đọc nhiều lắm. Đọc sách truyện thiếu nhi, đọc tạp chí Văn học tuổi trẻ, đọc tư liệu sách giáo khoa, ngâm cứu trang youtube, lướt các trang nhóm hay về giáo dục… Những đề bài có lúc là sưu tầm, học hỏi những anh chị đi trước, có lúc lóe lên trên đường đi dạy nhưng tôi luôn giữ vững tiêu chí mà CLB yêu cầu: Sáng tạo và truyền cảm hứng.
Và làm cách nào để các con luôn viết hay, đôi khi vượt ra cả ngoài sự tưởng tượng của chính các con và bố mẹ?
Trước hết, giáo viên phải là người truyền cảm hứng. Làm bạn với tụi nhỏ là điều tôi luôn hướng đến. Bởi thế trong lớp, học trò và cô giáo có thể nói những câu chuyện bông đùa, tỉ thứ mà chúng nó quan tâm cũng đã được liệt vào “từ điển” của tôi. Không làm trẻ sợ, không làm trẻ tự ti – đó là cách tôi đến gần hơn với tụi nhỏ và khiến chúng có cảm hứng cho những đề văn hơn.
Trực quan sinh động là bài dạy lớn cô Phương dạy cho GV của CLB. Trẻ em không thể hiểu hết những lý thuyết mà người lớn cố truyền tải. Nhưng chúng lại tư duy rất nhanh khi được xem một clip, khi được quan sát hình ảnh, khi được chơi trò chơi, khi được nhìn ngắm bầu trời, đường phố, cây cối… Vậy là để khởi đầu cho mỗi bài học, tôi luôn chọn cách tiếp cận này để đến gần hơn với những đứa trẻ, bỏ xa thứ “lý thuyết màu xám” đơn điệu và nhàm chán.
Để trẻ thấy tự tin hơn thông qua những trò chơi liên quan tới chủ đề bài học. Tôi thường cho trẻ chơi trò đố vui, trò chơi với những mảnh giấy sắc màu, nối từ… Tất cả đều nhằm đến mục đích kéo trẻ vào “cuộc chơi” của mình, cung cấp những kiến thức nền tàng một cách nhẹ nhàng.
Làm văn cũng cần có công thức. Tôi sẽ cho trẻ kẻ một cái bảng đơn giản. Ví dụ, đề bài là miêu tả bầu trời đêm, học sinh sẽ chia bảng thành 3 cột: Danh từ ( hình ảnh ), động từ, tính từ. Và thế là đã có sẵn công thức cho bài viết của mình rồi nhé: Trăng – leo/nhô/mọc/tỏa sáng… – vằng vặc/vàng dịu… Không chỉ mở rộng vốn từ, các con còn có thể nhanh chóng chắp nối nó thành một câu văn hoàn chỉnh cả về ngữ pháp và cảm xúc.
Hoàn thành bài thôi nào… Để biến công thức thành một đoạn văn hoàn chỉnh ta chỉ cần nêm nếm thêm “một thìa” từ ngữ hay ( tính từ – từ láy chỉ âm thanh, màu sắc… ), “một thìa” biện pháp tu từ, “một thìa” cảm xúc là đã có đủ một đoạn văn đặc sắc. Và cuối cùng, chắc chắn rồi, đều phụ thuộc vào chính các bạn nhỏ của tôi – tâm hồn đẹp và yêu đọc sách đã giúp các con có được những bài viết tuyệt vời.
Và sản phẩm để khoe hôm nay chính là những đoạn văn “chất như nước cất” của các bạn học sinh lớp 4, 5.
TUYỂN TẬP ĐOẠN VĂN HAY VIẾT VỀ BẦU TRỜI ĐÊM – LỚP YÊU THƯƠNG
1. Đêm trăng sông Hương – Minh Ngọc
Khi ông mặt trời đã bắt đầu đi ngủ, khi những cơn gió lành lạnh đã hẹn nhau bên dòng sông Hương làm sông Hương gợn sóng nhè nhẹ, dọn chỗ cho những con đò say ngủ là lúc nàng Tiên Đêm xuất hiện. Chị dùng một chiếc cọ vẽ lớn và tô điểm cho bầu trời một màu đen tuyền. Những ngôi sao khoác lên mình bộ cánh lung linh ánh sáng, cùng cầm tay nhau nhảy múa. Nhạc sĩ Dế Còm mặc chiếc áo màu đen kịt, hòa tấu một bản nhạc êm tai bên bờ sông. Chị Bướm dập dờn đôi cánh múa điệu đà, anh Ve Sầu cất tiếng hát dịu nhẹ của mình. Và rồi, đêm đã đón mời một vị khách đặc biệt. Nàng Trăng hôm nay lộng lẫy hơn hẳn mọi hôm. Nàng lặng lẽ kéo chiếc rèm mây xốp như bông gòn, soi mình vào chiếc gương khổng lồ của mặt sông để rồi tỏa sáng vằng vặc. Buổi đêm khép lại… Và sáng hôm sớm hôm sau, Huế lại trở về với vẻ nhộn nhịp của đời thường.
2. Đêm trăng khuyết – Xuân Hiếu
Mặt trời bắt đầu lặn. Những tia nắng cuối cùng cũng đã biến mất để nhường chỗ cho màn đêm. Bóng tối đã lan tỏa khắp bầu trời. Gió thổi mạnh hơn và trăng xuất hiện. Trăng từ từ leo lên đỉnh trời. Đó là một đêm trăng khuyết. Những cơn gió thổi qua làm đám mây đen xám lướt qua và mặt trăng bị che khuất đi. Một lát sau, trăng lại lấp ló khỏi màn mây. Mảnh trăng đang trôi trên dải ngân hà làm chúng ta tưởng tượng như một con thuyền đang trôi trên con sông lấp lánh ánh sáng của vầng trăng chiếu xuống. Buổi tối mang vẻ đẹp rất đặc biệt. Nó bình yên sau một ngày nóng bức, sôi động của mùa hè.
3. Đêm mưa – Trí Dũng
Khi những tia nắng yếu ớt đã tắt để nhường chỗ cho những vì sao là báo hiệu màn đêm đến. Mặt trăng nhô lên, trăng sáng vằng vặc soi mặt đất. Hàng ngàn vì sao lấp lánh tỏa sáng trên bầu trời. Những cơn gió mát lành thổi nhẹ làm cho những cành cây lung lay. Rồi đột nhiên… rào rào… Cơn mưa từ đâu ập đến. Những hạt mưa thi nhua đổ xuống mặt đất vui như trẩy hội. Cây dừa với những tàu lá khỏe mạnh đang sải tay bơi một vận động viên chuyên nghiệp. Luống mồng tơi, rau muống đang hân hoan chào đón cơn mưa. Một lát sau, mưa tạnh. Anh nghệ sĩ Dế Mèn đang chơi một bản nhạc làm rung động không gian. Những anh Ve Sầu nhảy múa và cất lên dàn đồng ca mùa hạ. Cảnh vật của đêm thật sống động và vui vẻ biết bao!
TUYỂN TẬP ĐOẠN VĂN HAY VIẾT VỀ KHU VƯỜN- LỚP TARZAN
1. Đăng Khôi
Vào một buổi sáng mờ sương, khu vườn nhỏ trông thật huyền ảo. Những giọt sương đọng trên lá lấp lánh như những viên pha lê giờ đã sắp nhường chỗ cho những tia nắng đầu tiên. Những chú chim đã thức dậy, ra khỏi chiếc tổ ấm áp của chúng để nhảy múa chào mừng ban mai. Tôi nhắm mắt và nghe thấy những tiếng hót du dương của các chú chim. Tôi còn nghe thấy tiếng gió thổi vi vu khiến những chiếc lá đã vàng úa lao xao trên mặt đất ẩm ướt. Tiếng gió lướt qua những vòm cây, lách qua những khóm hoa chưa nở và rồi hạ thấp xuống mặt đất phủ đầy sương sớm. Âm thành còn lại là tiếng của bước chân nhỏ bé của những chú chim trên cành cây và tiếng đập cánh của những chú chim mới tập bay.
Những tiếng động của tự nhiên giúp tôi hiểu một thông điệp mà khu vườn đang muốn nói: “Hãy yêu quý khu vườn”…
2. Hạnh Dung
Vào một buổi sáng mờ sương, khu vườn cây vẫn mang một vẻ trầm lặng. Những tia nắng mỏng manh len lỏi qua màn sương, rọi vào những chiếc lá xanh còn vương sương sớm. Mấy ngọn gió khẽ cù nhẹ vào những cánh hoa đương nở khiến chúng rung rinh. Khu vườn vẫn còn buồn ngủ lắm.
Thế rồi, ánh nắng mạnh hơn, cây cối trong vườn bừng tỉnh giấc vì đàn chim đã về rồi. Những con chim sâu chăm chỉ luồn lách giữa kẽ lá, khiến những chiếc lá vàng mùa thu xào xạc rơi. Chim kéo về đây nhiều lắm, hót ríu rít trên cành. Chim uống nước sương, nhảy nhót trên lá làm sương rơi lộp bộp xuống ngọn cỏ xanh tươi. Gió vẫn thổi nhè nhẹ, đem hương hoa lan tỏa khắp khu vườn. Hình như hoa nhài đã nở, hoa thơm ngát. Hoa hồng thì còn chúm chím, cánh thơm dịu, nụ hoa bé bé, xinh xinh.
Khu vườn như muốn nói: “Hãy yêu khi vườn này nhé! Bạn có thể cảm thấy sự đặc biệt của tôi.”
3. Thành Nam
Vào một buổi sáng mờ sương, khi khu vườn vừa mới tỉnh dậy, khi những tia nắng nhỏ như sợi tơ chiếu xuống mặt đất, tôi thấy khu vườn thật kì ảo. Tôi nghe thấy những tiếng lá khô kêu xào xạc như đang gửi gắm cho tôi một thông điệp nào đó. Có những chiếc lá xanh non trên cành, những chiếc lá đã vàng khô rơi xuống mặt đất ẩm ướt. Tiếng chim hót líu lo mới hay làm sao! Tiếng gió vi vu như những bản nhạc giao hưởng của thiên nhiên. Khi bước chân ra khu vườn, tiếng lá xào xạc, tiếng gió như chào đón tôi, tiếng khu vườn như gửi tôi một thông điệp rằng: “Hãy biết yêu và bảo vệ thiên nhiên.”
( Hà Nội ngày cuối cùng tháng Tám/2017 )